Chùa Rô (xã An Cư, thị xã Tịnh Biên, An Giang) là nơi diễn ra hoạt động đua bò, cấy mạ thường niên vào dịp tết Sene Dolta (lễ cúng ông bà) vào khoảng 29/8 - 1/9 âm lịch của người Khmer vùng Bảy Núi (trừ những năm diễn ra dịch COVID-19).

Kiến trúc của ngôi chùa là sự kết hợp giữa nghệ thuật trang trí của người Khmer và các thiết kế đầy màu sắc của văn hóa Angkor.

Từ cổng, mái cho đến bên trong đều có rất nhiều hình tượng các loài chim, nữ thần và Naga, thần rắn...

Tham quan ngôi chùa, ngoài khám phá kiến trúc, bạn còn được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của người Khmer.

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar (tổ 8, ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) được xây dựng vào khoảng năm 1.700 từ thời Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) có tên là “Masjid Yahya”. Ban đầu, vật liệu để xây thánh đường là gỗ, sau nhiều đợt trùng tu, cải tạo, ngôi thánh đường gỗ được dỡ bỏ để xây lại thánh đường bằng đá, xi măng vào năm 1952. Đến năm 1960, khánh thành thánh đường mới lấy tên là Masjid Jamiul Azhar. Năm 2012, Masjid Jamiul Azhar được mở rộng thêm và trùng tu. Tháng 8/2014, Masjid Jamiul Azhar được hoàn thiện như hiện nay.

Thánh đường có màu sắc chủ đạo là màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và màu xanh thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc, vĩnh hằng.

Điểm nhấn khác biệt trong kiến trúc của thánh đường là ngôi chính điện không có bàn thờ, hay tượng, ảnh thờ. Lưu ý, phụ nữ không được tự ý vào bên trong đền thờ.

Nhắc đến Châu Đốc, du khách có thể nhắc đến hàng loạt chùa, miếu như miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu... Mỗi ngôi chùa, đền đều có kiến trúc, đặc trưng riêng. Nếu tham quan chùa Rô, bạn có thể đến chùa bánh xèo có tên gọi chính thức là Thiền viện Đông Lai hay chùa Phật tọa lạc tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tên gọi "chùa bánh xèo" xuất phát từ việc hơn 10 năm nay, tất cả khách viếng chùa, nếu muốn đều có thể thoải mái thưởng thức bánh xèo chay miễn phí.

Khu vực thưởng thức bánh xèo thuộc dãy nhà sau của chùa, nơi có khoảng 20 chiếc bàn inox, một chiếc tủ đựng rau, những chồng dĩa nhựa (và một người "quản lý" tủ - người phụ xếp rau, xếp dĩa). Khách sau khi vãn cảnh chùa, muốn thưởng thức bánh xèo, có thể bước sang khu vực này, lấy dĩa, đứng xếp hàng gần giàn bếp, đầu bếp sẽ cho bánh chín nóng hổi vào dĩa. Sau khi có bánh, mỗi người tự tìm chỗ ngồi, tự phục vụ rau, nước chấm, nước uống. Ngoài ra, đến Châu Đốc, bạn không nên bỏ qua các trải nghiệm sau:

Ngồi xe lôi quanh khu vực chợ Châu Đốc và tham quan, mua sắm tại "thủ phủ mắm miền Tây". Ngoài mua mắm, du khách cũng có dịp thưởng thức đặc sản địa phương...

Đi xuồng ở rừng tràm Trà Sư rộng khoảng 845ha. Về ý nghĩa của tên, người ta truyền tai nhau rằng “Trà” là biến âm của “tà” - trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu.

Đây là nơi cư trú của vô số loài bò sát, loài thú và thủy sản. Trong đó có các loại cò nằm trong “Sách đỏ Việt Nam” như cò lạo Ấn Độ (Giang Sen), cò cổ rắn (Điêng Điểng)...

Khám phá ngôi làng của người Chăm (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 3km.

Làng Chăm Châu Giang là ngôi làng theo đạo Hồi, dân cư trong làng sống chủ đạo với việc kinh doanh thuốc, thổ cẩm, trang sức...

Làng nổi cá bè Châu Đốc gây ấn tượng với du khách bởi hàng nhà bè liền kề nhau. Những ngôi nhà ở đây có thiết kế gần giống nhau tạo nên một thể thống nhất đơn giản mà hài hòa.

Đến nhà bè, bạn sẽ được tìm hiểu quy trình nuôi cá, trải nghiệm cho cá ăn, mua và thưởng thức cá ngon.

Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Gợi ý lịch trình tham quan An Giang 72 giờ: 23g, xuất phát từ TPHCM - Châu Đốc, giá vé xe từ 180.000-350.000 đồng/chiều, thời gian di chuyển khoảng 6-7 tiếng. 5g sáng đến Tịnh Biên, tham quan các ngôi chùa. Ăn trưa với bánh xèo ở chùa bánh xèo. 14g, đi xuồng ở rừng tràm Trà Sư. Khởi hành về TP Châu Đốc, 18g, tham quan nhà bè và ăn tối. Đến khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi.

Ngày 2: 8g sáng, đến Tà Pạ, khám phá cánh đồng Tà Pạ, hồ nước và chùa Tà Pạ, chiều khởi hành về làng Chăm, tham quan làng, thánh đường, búng Bình Thiên (gần đó), khám phá Châu Đốc về đêm. Ngày 3: Trả phòng, tham quan miếu Bà Chúa Xứ, khám phá núi Sam, tham quan mua sắm ở chợ Châu Đốc. 22g, lên xe về TPHCM, kết thúc hành trình.

Chi phí dự tính: 450.000 đồng/vé xe 2 chiều + 500.000 đồng lưu trú 2 đêm + 600.000 đồng tiền thuê xe máy và đổ xăng + 500.000 đồng phí tham quan + 400.000 đồng/8 bữa ăn.

An Huỳnh